Quy trình xử lý phản ánh của người dân

(Bước 4 - Các đơn vị phối hợp xử lý phản ánh bao gồm: Cục TMĐT & KTS, Tổng cục QLTT, Cục Cạnh tranh và BVNTD, Sở Công Thương...)

1. Gửi phản ánh

2. Chuyên viên
Tiếp nhận phản ánh

3.Doanh nghiệp giải trình

4. Các đơn vị phối hợp
Xử lý phản ánh

5. Thông báo kết quả

Tin tức - sự kiện

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm bán hàng qua livestream

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Bộ Công Thương, Cục TMĐT và KTS, Tổng cục QLTT, thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước đã tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử. Riêng với hình thức bán hàng livestream “nở rộ” trong thời gian vừa qua, năm 2022, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm, trong đó, một số vụ việc chuyển khởi tố hình sự.

Ngay đầu năm 2022, thông qua công tác khai thác thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, Tổ công tác TMĐT của Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một tài khoản Facebook có dấu hiệu kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua hình thức livestream. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Đặng Hồng Lan Anh (chủ tài khoản Facebook, có địa chỉ kinh doanh tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đang thực hiện livestream bán hàng trăm loại sản phẩm là thực phẩm đóng gói sẵn như: muối chấm, bánh kẹo, hạt bí, hạt dưa, rong biển… không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sau đó không lâu, cũng tại Đắk Lắk, lực lượng QLTT tiếp tục kiểm tra, phát hiện cơ sở tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột kinh doanh sản phẩm quần áo online nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và hàng hóa kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, tại cơ sở có 04 nhân viên đang thực hiện chốt đơn cho khách đặt hàng online từ các địa phương trên cả nước.

Còn tại Tuyên Quang, sau nhiều ngày trinh sát, lực lượng QLTT phát hiện, kiểm tra và thu giữ trên 5 tấn hàng hoá vi phạm về nguồn gốc xuất xứ tại 3 tổng kho, cơ sở kinh doanh ở Tuyên Quang. Trong đó, số hàng hoá thuộc tổng kho lớn nhất cũng được bán qua livestream, với hàng nghìn đơn xuất kho mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, gần 20 công nhân mải miết đóng gói trên dưới 1.000 đơn hàng đã được chốt trên Facebook mà cơ sở này livestream, sau đó giao cho đơn vị chuyển phát chiều cùng ngày. Theo kết quả kiểm đếm, tổng số hàng hóa vi phạm là 5.054kg, phân loại thành 34.797 sản phẩm.

Cùng với thời trang, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng là mặt hàng được livestream nhiều nhất. Cách đây không lâu, lực lượng chức năng tại thành phố Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh mỹ phẩm thuộc đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, phát hiện và thu giữ gần 7.700 hộp mỹ phẩm Peel vi tảo nhãn hiệu Le'peau cùng hàng nghìn miếng mặt nạ Rwine beauty và 90 hộp mỹ phẩm Nhất Nam Dược chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Đây chỉ là một vài dẫn chứng điển hình trong tổng số các vụ việc mà lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2022. Theo Báo cáo thống kê, năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng.

Lực lượng QLTT kiểm tra vi phạm tại kho hàng ở Tuyên Quang

Hai năm gần đây ghi nhận sự “bùng nổ” của kênh bán hàng qua livestream, thậm chí, do chính những ca sĩ, diễn viên, hoặc người nổi tiếng thực hiện. Hình thức bán hàng bằng livestream đang khá phổ biến khi có thể thu hút lượng lớn người xem và chốt hàng trăm đơn hàng chỉ trong một buổi phát video. Trong đó, Facebook hiện được xem là kênh livestream bán hàng phổ biến, dễ tiếp cận khách hàng nhất hiện nay. Mỗi tài khoản livestream có hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt like (thích) và follow (theo dõi) là lợi thế rất lớn cho việc livestream, chốt đơn được thuận lợi. Số lượt thích và theo dõi này còn được người dùng/khách hàng đánh giá độ “uy tín” của tài khoản livestream. Sau khi thực hiện, mỗi buổi livestream lại được share (chia sẻ) trên nhiều tài khoản facebook và zalo, vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm, đặt hàng của người dân.

Bên cạnh những lợi ích, thời gian qua đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán trực tuyến để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tình trạng này gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng và những doanh nghiệp chân chính.

Trước thực trạng livestream bán hàng trên mạng bát nháo, thật giả lẫn lộn như hiện nay, việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh là rất khó. Các cơ sở kinh doanh online thường không có địa điểm cố định; hàng hóa thường được chia lẻ, tập kết ở các khu nhà trọ, chung cư hoặc nhà ở nên lực lượng QLTT muốn điều tra, trinh sát và áp dụng các biện pháp kiểm tra nơi cất giấu tang vật phải có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và chính quyền địa phương.

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh chóng như vậy cũng kéo theo nhiều hệ luỵ. Vì vậy, lực lượng QLTT xác định, thời gian tới, vi phạm trong kinh doanh online, đặc biệt là hình thức livestream sẽ tiếp tục phát triển, diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, cơ quan quản lý khuyến nghị người tiêu dùng nên chọn các website uy tín, hợp pháp, đã được đăng ký tại Bộ Công Thương (thông báo trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, địa chỉ www.online.gov.vn).

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên chú ý, thông tin người bán, thông tin sản phẩm phải chi tiết, đầy đủ, rõ ràng; đọc kỹ các điều khoản, chính sách bán hàng, lưu trữ đầy đủ thông tin giao dịch… Khi phát hiện dấu hiệu kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng nên liên hệ tới đường dây nóng của Tổng cục QLTT 1900.888.655 hoặc Cục TMĐT và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường internet nói chung, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian tới, lực lượng QLTT chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) rà soát phân loại, kiểm soát website TMĐT; Xây dựng đội ngũ chuyên trách về TMĐT, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho lực lượng QLTT về TMĐT; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng…

Nguồn: qltt.vn